1. Không học thay không sáng tạo hộ
Đây là 1 trong những sai lầm của rất nhiều nhà quản lý nhất là tại các công ty nhỏ. Khi thấy nhân viên làm chưa tốt nhiệm vụ, nhà quản lý sẽ gạt đi và tự mình làm thay họ công việc đó tuy nhiên chính chúng ta cũng sẽ không duy trì việc đó được mãi. Sếp sẽ quay ra khó chịu vì công việc quá tải và nhân viên thì ỷ lại vì " dù thế nào cũng có sếp lo". Mỗi thành viên trong đội ngũ cần tự mình học hỏi và phát triển kỹ năng cá nhân, tự học tập tự sáng taọ và update mình. Nhà quản lý có thể cung cấp các khóa học và tài liệu, môi trường phát triển nhưng không thể học thay hay sáng tạo hộ cho họ. Việc tự học và phát triển là yếu tố quan trọng để mỗi cá nhân nâng cao năng lực và đóng góp hiệu quả cho đội ngũ.
2. Không thể mãi duy trì động lực
Động lực là thứ được sinh ra từ hoạt động hàng ngày và mỗi cá nhân cần học cách kiểm soát và duy trì nó. Nhà quản lý có thể tạo ra môi trường làm việc tích cực và khuyến khích, nhưng việc duy trì động lực là trách nhiệm của từng cá nhân, lãnh đạo sinh ra để quản lý rất nhiều đầu công việc chứ không phải chăm chăm hàng ngày đi truyền cảm hứng. Động lực cá nhân thường xuất phát từ những mục tiêu và giá trị riêng của mỗi người và nhân sự cần tìm ra điều gì thúc đẩy họ và làm việc để duy trì sự nhiệt huyết và cống hiến trong công việc.
3. Không quyết định sự đi hay ở
Mỗi nhân viên đến với chúng ta vì những giá trị mà họ tìm kiếm tại từng thời điểm. Việc họ ở lại hay ra đi chỉ đơn giản là sự phù hợp với giá trị đó. Khi một nhân viên quyết định rời đi, đó không phải là thất bại của nhà quản lý mà là một phần của quá trình phát triển tự nhiên. Chúng ta cần tôn trọng quyết định của họ và hỗ trợ họ trong quá trình chuyển đổi, đồng thời tìm kiếm những người mới phù hợp hơn với giá trị và mục tiêu của tổ chức.
4. Không cho những gì mình không có, không gánh vác thay
Không hứa hẹn những giá trị không thật mà bạn không thể cung cấp, những giá trị đó đến và đi rất nhanh. Chúng ta những người lãnh đạo cần trung thực và thực tế về những gì chúng ta có thể làm. Hứa hẹn quá mức có thể dẫn đến sự thất vọng và mất lòng tin. Vì vậy hãy tập trung vào việc cung cấp những giá trị thực sự và bền vững, điều này sẽ giúp xây dựng mối quan hệ tin cậy và lâu dài với nhân viên.
Ngoài ra mỗi thành viên cần chịu trách nhiệm về công việc và hành động của mình. Nhà quản lý không thể gánh vác trách nhiệm cá nhân thay cho họ. Việc đảm nhận trách nhiệm cá nhân giúp mỗi người trưởng thành và phát triển, bản lĩnh hơn trong công việc.
5. Không thể duy trì sự cân bằng trong đội ngũ
Trong một đội ngũ, sẽ có người giỏi, người xuất sắc và người không đạt được kỳ vọng. Đừng cố gắng công bằng mà hãy phân cấp để dành điều tốt nhất cho những người nỗ lực nhất, giỏi giang nhất. Điều này không có nghĩa là chúng ta bỏ qua những người yếu kém, mà là chúng ta cần nhận ra và khuyến khích những người có tiềm năng và nỗ lực. Sự công bằng không phải lúc nào cũng có nghĩa là đối xử với mọi người như nhau, mà là đối xử với họ theo cách phù hợp nhất với khả năng và đóng góp của họ.
6 Xây dựng mối quan hệ, giải quyết xung đột cá nhân
Quan hệ đồng nghiệp, quan hệ đối tác và sự hợp tác trong đội ngũ phải được xây dựng từ chính các thành viên. Nhà quản lý có thể đóng vai trò trung gian, nhưng việc xây dựng mối quan hệ hay giải quyết xung đột cá nhân cần sự tham gia và nỗ lực từ các bên liên quan không ai có thể ép buộc hoặc làm thay điều này. Mỗi người cần chủ động trong việc giao tiếp, lắng nghe, hợp tác và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, khách hàng nỗ lực xây dựng các mối quan hệ có lợi cho cá nhân cũng như tập thể.
Trên đây là 1 số tích lũy và kinh nghiệm từ đội ngũ chúng tôi trong nhiều năm hoạt động và vận hành doanh nghiệp. Hy vọng đem lại thông tin hữu ích cho những nhà quản lý, người lãnh đạo để có hướng đi đúng với nhân sự và cách tổ chức bộ máy vận hành.